Bắc Ninh: Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương
Hội Đền Cao Lỗ Vương thường được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình. Lễ hội nhằm tưởng nhớ, ghi khắc công lao muôn đời của các bậc tiền nhân - những người đã có công đánh giặc giữ nước, giữ yên bờ cõi. Hội đền Cao Lỗ Vương cũng là một trong những lễ hội lớn của Lễ Hội Kinh Bắc.
Theo những sử liệu, thần tích còn lưu truyền, Cao Lỗ người quê vùng Lục Đầu- Bình Than, trong cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc Triệu Đà để bảo vệ nhà nước Âu Lạc, ông đã anh dũng hy sinh ở tại chân thành Cổ Loa, thi hài được hổ tha về quê. Dân làng trông thấy liền kéo nhau ra đánh đuổi hổ và làm lễ an táng cho ông, dấu tích xưa còn đó là lăng mộ ông tại làng Tiểu Than. Đền thờ ông tại làng Đại Trung, đình làng Tiểu Than và lăng mộ Cao Lỗ Vương đều được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Vào mồng 10 tháng 3 âm lịch - ngày sinh của Cao Lỗ Vương, người dân bẩy làng quanh vùng cùng phối hợp tổ chức tế lễ ở đền Đại Trung, sau đó mỗi làng đều tổ chức lễ hội theo tục lệ nhằm bày tỏ ghi nhớ công đức vị danh tướng của quê hương. Với làng Tiểu Than, lễ hội có những nét độc đáo riêng. Ngày mùng 9 tháng 3 dân làng tổ chức rước Long Đình cùng nhiều lễ vật mang ra lăng mộ Ngài để làm lễ tuyên văn, và sau đó vào nhà cụ Thủ sắc (người chuyên giữ sắc thờ của làng) rước văn ra đình.
Sáng ngày mùng 10 tiến hành rước song hành kiệu và lễ vật xuống đền để làm lễ tế chung. Đám rước uy nghiêm bao gồm trống khẩu, lọng, quạt, chiêng trống cùng long đình, bát bửu, cờ hội, súng lệnh...
Lễ Rước Hội Cao Lỗ Vương |
Trong những ngày Lễ Hội Truyền Thống , làng tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian như vật, tam cúc điếm, hát cô đầu; đặc sắc nhất là trò múa bông, đuổi bệt, tạo nét hấp dẫn riêng trong không gian lễ hội nơi thôn quê.Tương truyền cây bông bằng tre được vót như đũa bông và chia làm ba đoạn với sáu phôi bông. Người múa bông là một thôn nữ thanh tân mặc áo the thắt lưng bó cạnh, hai tay cầm hai cây bông múa theo điệu trống giữ nhịp. Mỗi tiết mục được múa khoảng hơn nửa tiếng, và trước khi kết thúc cô gái đưa cây bông lên miệng ngậm một vài sợi phôi sau rồi vứt cây bông ra, dân làng tranh nhau đến cướp. Nếu ai tranh được coi như năm ấy gia đình, họ tộc sẽ gặp được nhiều may mắn tốt lành. Với trò “Đuổi bệt” còn gọi là đuổi hổ được lưu truyền nhằm diễn lại sự tích dân làng đuổi hổ lấy thi hài của Cao Lỗ Vương để an táng. Vào ngày hội dân làng cho đặt một cái bàn trước nhang án và quây màn tượng trưng làm một quán rượu. Trong màn, một bậc cao niên đóng vai ông chú đang uống rượu say,còn bên ngoài là hai cháu bé một bé trai và một bé gái. Khi vị quan viên cầm sách đọc bài “Văn dã”, hai cháu đọc lại theo từng nhịp, hết mỗi đoạn lại quay ba vòng. Phía bên ngoài, người đội lốt giả làm hổ là một thanh niên đang lấp ngoài đầu đình với cành cây che kín. Bài văn dã kết thúc, ba chú cháu cùng cầm gậy ra đuổi hổ. Người và hổ giao tranh ba vòng xung quanh đình,cho đến khi hổ mệt và chạy ra Miễu (khu vực lăng mộ của Cao Lỗ Vương), ba chú cháu lấy được lốt hổ đem đốt tượng trưng cho việc đã giết được hổ giành lại thi hài Cao Lỗ Vương và dân làng đem an táng tại Miễu.
Những Hoạt Động Tưởng Nhớ Cao Lỗ Vương
|
Lễ Hội Đền Cao Lỗ Vương ngày nay vẫn luôn được người dân bẩy làng cùng tôn thờ ông phối hợp tổ chức với nhiều nghi thức tế lễ, rước sách uy nghiêm tại đền, mở nhiều hoạt động văn hoá, nhiều trò chơi dân gian tại đình chùa làng, để thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, và tình đoàn kết gắn bó bền chặt của các làng xã vùng sông nước Lục Đầu- Bình Than- nơi ghi dấu ấn nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống xâm lược của nước Đại Việt xưa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét